Cắm chốt bảo tồn răng thật, tiết kiệm chi phí nhưng hiệu quả vẫn cao
Nha Khoa Thùy Anh Thái Nguyên
Kỹ thuật cắm chốt phục hình thân răng là phương pháp phục hình răng bảo tồn răng thật với mão sứ và được cắm chốt trên răng thật. Đây là phương án bảo tồn răng với tiêu chí ngon – bổ – rẻ. Vậy phương pháp này thực hiện như thế nào mời các bạn cùng tìm hiểu rõ hơn về kỹ thuật này trong bài viết dưới đây nhé.
1. Lợi ích của biện pháp cắm chốt tái tạo cùi răng
Phương pháp này thường được thực hiện với trường hợp răng sâu vỡ mất khá nhiều thân răng mà để chiếc răng giả (mão sứ) có thể úp lên răng thật khít sát và được lưu giữ tốt đảm bảo chức năng ăn nhai thì cần một cấu trúc để nâng đỡ và lưu giữ chụp bọc đó chính là cùi răng gốc. Đối với những răng cần làm chụp bọc mà còn nguyên vẹn thì chúng ta chỉ cần mài nhỏ răng thật đi để tạo thành cùi răng nâng đỡ và lưu giữ chụp ở phía trên. Lúc này cùi răng sẽ có cấu trúc hoàn toàn là mô răng thật của bệnh nhân.
Tuy nhiên, khi cấu trúc thân răng bị phá hủy hết tới ngang lợi chỉ còn chân răng thì chúng ta cần tái tạo cùi răng bằng cách đắp thêm chất hàn lên trên chân răng thật còn lại. Nhưng nếu chỉ đơn thuần dùng chất hàn nha khoa thì chất hàn sẽ rất kém lưu giữ vì diện tích bám dính còn lại là rất nhỏ đồng thời cùi răng cũng thiếu sự liên kết với chân răng ở phía dưới về phương diện truyền tải lực nhai. Tức là cùi răng sẽ đề kháng kém với các lực sinh ra trong quá trình ăn nhai. Hậu quả là nguy cơ cao về việc gãy răng kèm theo cả chụp bọc ở phía trên.
Lúc này phương án sử dụng chốt để tái tạo cùi răng sẽ giúp giải quyết được 2 vấn đề:
Thứ nhất: Tăng khả năng lưu giữ chất hàn.
Thứ 2: Phần cùi răng tái tạo phía trên và chân răng phía dưới liên kết chặt chẽ với nhau thành một khối thống nhất thông qua chốt. Nhờ điều này mà lực nhai tác động vào chụp răng và cùi răng có thể dễ dàng đi xuống chân răng rồi toả ra mô quanh răng và xương hàm, góp phần giảm bớt nguy cơ quá tải lực ở phần phía trên chân răng từ đó giảm nguy cơ gãy cùi răng gốc.
2. Có những loại chốt nào và chỉ định cụ thể của từng loại
Hiện nay có 2 loại chốt định danh là chốt làm sẵn và chốt làm cá nhân hóa.
Chốt làm sẵn:
Loại chốt này được sản xuất hàng loạt với các kích thước khác nhau để có thể linh động sử dụng với các ống tủy có kích thước khác nhau sao cho vừa vặn, ổn định và khít sát với ống tủy nhất. Chốt làm sẵn được chia thành 2 loại nhỏ dựa trên vật liệu làm chốt là: Chốt kim loại và chốt sợi thủy tinh.
Chốt kim loại chủ yếu sử dụng cho vùng răng hàm phía sau không yêu cầu cao về mặt thẩm mỹ, còn chốt sợi thủy tinh ưu tiên vùng răng cửa nên yêu cầu đẹp. Vùng răng cửa chúng ta thường ưu tiên các loại chụp sứ thủy tinh với độ trong cao nhằm copy lại đặc tính độ trong của lớp men răng để đảm bảo tính thẩm mỹ cho vùng răng trước. Vì với độ trong cao của chụp bọc ở ngoài mà sử dụng 1 chốt kim loại ở trong thì màu đen của kim loại sẽ bị ánh ra phía ngoài răng sứ làm ảnh hưởng tới tính thẩm mỹ, trong khi đó chốt sợi thủy tinh thì có màu trắng hoặc không màu nên đẹp hơn nhiều. Giá của một chốt làm sẵn sẽ dao động từ 200-600 nghìn đồng.
Chốt kim loại
Chốt sợi thủy tinh
Chốt cá nhân hóa:
Loại chốt này được chế tác cá nhân hóa cho từng răng với đặc điểm cùi giả sẽ được làm liền với chốt, không cần bác sĩ phải hàn thêm cho to răng ra. Vì chốt và cùi giả làm liền với nhau nên sẽ tạo sự thống nhất cũng như chịu lực tốt hơn so với việc đặt chốt làm sẵn và dùng thêm chất hàn đắp thêm.
Dựa vào vật liệu làm chốt thì chốt cá nhân hóa cũng được chia làm 2 loại nhỏ đó là: Chốt kim loại đúc – được chế tác bằng kỹ thuật đúc và chốt Sứ Zirconia được chế tác bằng công nghệ máy tính CAD/CAM. Trong đó chốt đúc kim loại sử dụng chủ yếu cho răng hàm và chốt sứ zirconia ưu tiên răng trước. Giá của một chốt cá nhân hóa sẽ dao động từ 500 – 1tr đồng.
Chốt kim loại đúc
Chốt sứ Zirconia
3. Chỉ định của từng loại chốt đối với các trường hợp cụ thể
Do chúng ta thường thực hiện tái tạo cùi răng và làm chụp bọc trong các trường hợp răng sau điều trị tủy vậy nên chỉ định cắm chốt sẽ áp dụng cho những răng sau điều trị tủy như sau:
+ Trường hợp thứ 1: Nếu răng của bạn còn đủ các thành răng khỏe mạnh thì đương nhiên không cần cắm chốt, lúc này chỉ cần mài nhỏ răng thật đi để tạo thành cùi răng rồi ốp sứ vào.
+ Trường hợp thứ 2: Răng bị mất từ 1 – 3 thành (trong 4 thành gần, xa, ngoài, trong), tức là vẫn còn 1 thành lưu giữ chất hàn để tái tạo cùi răng lúc này chúng ta sẽ chọn phương án bắt chốt làm sẵn và tái tạo cùi răng bằng cách đắp thêm chất hàn.
Case lâm sàng: Bệnh nhân bị sâu lớn mất chất 3 thành ngoài, trong, gần còn lại 1 thành phía xa lưu giữ chất hàn tái tạo cùi. Sau điều trị tủy bệnh nhân được bắt một chốt sợi thủy tinh sau đó tái tạo cùi răng bằng chất hàn composite và làm một chụp sứ sau cùng lên trên.
Trường hợp 3: Răng bị mất chất cả 4 thành ngoài trong gần xa, không còn thành nào để lưu giữ chất hàn tái tạo cùi răng. Lúc này chúng ta sẽ lựa chọn phương án chốt cá nhân hóa tức là chốt kim loại đúc hoặc chốt sứ Zirconia chế tác bằng máy tính CAD/CAM. Chốt và cùi răng được chế tác liền một khối sẽ chắc chắn, đảm bảo chịu lực tốt hơn.
Case lâm sàng thứ 2: Răng cửa của bệnh nhân bị sâu lớn cụt tới ngang lợi, mất cả 4 thành răng không còn thành nào lưu giữ chất hàn tái tạo cùi răng. Bệnh nhân được chế tác một chốt sứ Zirconia liền với cùi giả bằng kỹ thuật máy tính CAD/CAM, sau đó chốt sứ được bắt vào chân răng và làm phục hình sứ sau cùng cho bệnh nhân.
Case lâm sàng thứ 3: Răng hàm bệnh nhân bị sâu lớn cụt tới ngang lợi, mất cả 4 thành không còn thành nào lưu giữ chất hàn tái tạo cùi răng. Bệnh nhân được chế tác một chốt đúc liền với cùi giả bằng kim loại. Sau đó chốt đúc được bắt vào chân răng và làm một phục hình sứ kim loại sau cùng cho bệnh nhân.
Với phương pháp này tại nha khoa Thùy Anh, chỉ với dưới 1 triệu đồng cho kỹ thuật cắm chốt, bệnh nhân đã có thể bảo tồn một chiếc răng thật bị để duy trì thẩm mỹ và ăn nhai hiệu quả, tránh một cuộc nhổ răng và những điều trị theo sau như làm cầu hoặc trồng răng Implant với chi phí khá tốn kém. Mọi thắc mắc hay mong muốn được tư vấn vui lòng để lại thông tin và liên hệ với chúng tôi theo địa chỉ dưới đây để nhận tư vấn từ bác sĩ chuyên khoa.