Phẫu thuật đặt chân răng implant có nguy hiểm không?
Chủ đề trong bài viết này sẽ cung cấp cho các bạn thông tin Phẫu thuật đặt Implant có những nguy hiểm gì?
Thực ra thì, khi được bác sỹ dày dặn kinh nghiệm trực tiếp thực hiện, implant được coi là một trong những phẫu thuật an toàn nhất, có khả năng tiên lượng cao nhất trong nha khoa. Implant sẽ cung cấp nâng đỡ chắc khỏe cho chiếc răng giả bên trên, giống với cái cách bạn mọc lại chiếc răng mới. Sau khi cấy implant vào xương hàm, xương hàm sẽ bám chắc chắn lên trên bề mặt implant. Vậy nên các hãng luôn không ngừng cải tiến bề mặt implant để khả năng tích hợp xương thuận lợi nhất. Tỷ lệ thành công cao nhất.
Mặc dù vậy, bất cứ một phẫu thuật y khoa nào cũng đều có những rủi ro, nguy hiểm đặc thù. Dù là nhỏ nhất. Việc phẫu thuật implant có dùng dao mổ, khoan xương, sử dụng thuốc tê, khi sử dụng thuốc tê từ đó có thể có những biến chứng về phẫu thuật cũng như những biến chứng đặc trưng riêng.
1. Biến chứng liên quan đến việc gây tê trong phẫu thuật đặt chân răng implant
Dị ứng, ngộ độc, shock thuốc tê:
Các bạn có thể dễ dàng tìm thấy rất nhiều báo cáo liên quan đến tử vong do shock phản vệ thuốc tê.
Đây là biến chứng ít gặp, tuy nhiên khi gặp nếu không được phát hiện xử lý kịp thời có thể dẫn đến những hậu quả nặng nề như bại não, chết.
Nhiều trường hợp phản ứng shock phản vệ diễn ra rất nhanh chóng, nặng nề và không thể cấp cứu được.
Biến chứng ngộ độc, shock thuốc tê liên quan đến thuốc tê và không liên quan nhiều đến trình độ hay khả năng của nha sĩ. Những biểu hiện của việc dị ứng, ngộ độc hay shock thuốc tê là:
Sau khi tiêm tê, bệnh nhân bị hoa mắt, chóng mặt, ù tai, tê bì đầu chi, rối loạn vị giác, lú lẫn, buồn ngủ, vã mồ hôi, lơ mơ, co dật, chân tay lạnh, huyết áp tụt, khó thở…
Trong quá trình tiêm, bác sỹ cần liên tục hỏi bệnh nhân về cảm giác của họ, nếu có dấu hiệu nghi ngờ có nhiễm độc thuốc, cần ngay lập tức ngừng tiêm.
Những trường hợp nặng, người bệnh có thể co giật, mất ý thức, hôn mê, suy hô hấp và ngừng thở
Khi phát hiện ra các triệu chứng kể trên bác sỹ cần:
- Ngưng ngay việc gây tê
- Cấp cứu cho bệnh nhân thật nhanh theo phác đồ của bộ y tế
- Gọi cấp cứu đưa bệnh nhân đến khoa cấp cứu và chống độc khẩn cấp.
Không những phẫu thuật implant mà bất cứ điều trị y khoa nào có sử dụng thuốc tê hoặc thuốc gây mê đều có biến chứng liên quan đến ngộ độc và shock. Xin nhắc lại, biến chứng với thuốc tê là biến chứng y khoa chứ không phải là của riêng implant.
Cách dự phòng biến chứng: Cần chuẩn bị đầu đủ các thuốc chống shock, và các kỹ năng phản ứng nhanh khi ngộ độc, shock thuốc tê xẩy ra. Bạn hoàn toàn có quyền yêu cầu nha sĩ đưa các dụng cụ chống shock ra vị trí dễ thao tác cạnh ghế răng mà bạn sẽ được phẫu thuật để tác nghiệp khi có bất cứ triệu chứng bất thường nào.
Khai thác kỹ tiền sử dị ứng của bệnh nhân, tiêm thuốc chậm và liên tục theo dõi phản ứng. Sau khi phẫu thuật nên lưu bệnh nhân ở lại phòng nha khoảng 15 – 30 phút để theo dõi thêm.
Bạn cũng cần tìm đến các phòng nha lớn, uy tín. Việc cấy chân implant có thể là như nhau ở các cơ sở đối với các răng tiên lượng dễ, nhưng khi lỡ xẩy ra biến chứng thì các cơ sở có chuyên môn tốt, cơ sở vật chất tốt sẽ phản ứng nhanh hơn và có khi chỉ hơn nhau trong 1 tích tắc là đã rất khác biệt rồi.
2. Implant không tích hợp xương sau khi phẫu thuật đặt chân răng.
Sự ổn định của implant ngay sau khi cấy là yếu tố quan trọng hàng đầu quyết định sự tích hợp của implant. Nếu implant không đạt được tính ổn định, thất bại thậm chí có thể ghi nhận ngay trong tuần đầu tiên.
Giai đoạn sau xương xung quanh bắt đầu tái sinh và len lỏi vào bề mặt implant, sự ổn định giai đoạn này gọi là ổn định thứ phát. Cả ổn định nguyên phát, ổn định thứ phát đều quan trọng với tuổi thọ implant.
Nếu implant nằm trong vùng xương không đủ cho sự ổn định sơ khởi thì khả năng rụng implant sẽ cao. Việc cho uống thuốc kháng sinh trước mỗi ca phẫu thuật implant, phòng phẫu thuật vô trùng là để giảm tỷ lệ rụng implant xuống. Và việc cấy implant đúng theo 3 chiều không gian, xung quanh implant đủ cả chất lượng lẫn thể tích xương hàm là để cho quá trình chịu lực implant được bền vững không bị đào thải.
3. Bị đâm thủng vào xoang hàm, thần kinh mạch máu trong đặt implant có nguy hiểm không?
Có nhiều cấu trúc thần kinh, mạch máu trong xương hàm. Những cấu trúc này sẽ được đo đạc, xác định trên phim cone beam CT. Nếu bác sỹ không khảo sát kỹ, bỏ qua bước chụp phim trong lập kế hoạch điều trị có thể dẫn đến đâm thủng vào ống thần kinh răng dưới, thủng xoang hàm dẫn đến viêm xoang, rụng implant.
Ở vùng hàm trên thì chỉ có cấu trúc xoang hàm là đáng lưu ý nhất. Xoang hàm thường nằm ở vị trí răng 4,5,6,7. Mất răng lâu năm sẽ dẫn đến tiêu xương theo chiều trên dưới, xoang hàm theo độ tuổi cũng dần mở rộng khiến cho việc đặt implant không thể thực hiện được. Những tình huống như vậy nha sĩ sẽ tiến hành thu hẹp xoang hàm nâng đáy xoang lên trên, sau đó cấy implant vào.
Tổn thương thần kinh ống răng dưới trước đây khá hay gặp do chưa có phim Conebeam CT, nha sĩ sử dụng phim tại chỗ 2D để khảo sát xương hàm, khi đó các cấu trúc giải phẫu bị chồng hình, không nhìn thấy hết các chiều thế trong không gian, nên dễ dẫn đến việc lập kế hoạch điều trị sai lầm.
Tổn thương thần kinh ở đây là nói đến dây thần kinh ống răng dưới, dây lưỡi, khiến bạn có thể bị tê, nóng rát hoặc mất cảm giác môi – lưỡi, vùng cằm tạm thời hay vĩnh viễn. Nó cũng không hề ảnh hưởng đến chuyển động lưỡi, phát âm, không gây biến dạng hay phù nề mặt. Dây thần kinh ở đây cũng không liên quan đến thần kinh trung ương như mất trí nhớ hay bị loạn thần…Nó chỉ là bị tê bì nóng rát vùng ảnh hưởng.
4. Nhiễm trùng vùng phẫu thuật sau phẫu thuật đặt implant là như thế nào?
Triệu chứng của nhiễm trùng vùng phẫu thuật gồm sưng đau kéo dài, vị trí cấy implant có rò mủ, vùng xương hoại tử và áp lực viêm có thể đẩy implant di lệch thậm chí bị bộc lộ trong khoang miệng. Nhiễm trùng vùng phẫu thuật có thể đến từ việc nhiễm khuẩn trong khi thực hiện phẫu thuật, do chế độ ăn nhai và chăm sóc sau cấy implant chưa tốt. Hoặc các bệnh toàn thân chưa kiểm soát.
Với những trường hợp nhiễm trùng nặng, nha sĩ sẽ lấy implant, làm sạch vùng viêm và khâu đóng. Sau đó cho đơn thuốc chờ vị trí phẫu thuật lành hẳn thì có thể tiếp tục lên kế hoạch trồng răng sao cho phù hợp.
5. Cấy lệch hướng gây xuất huyết sàn miệng sau khi phẫu thuật đặt implant có nguy hiểm không?
Đây là loại biến chứng cực kỳ nặng nề. Nguyên nhân do xương hàm có hình thể lõm vào trong, nha sĩ đặt mũi khoan lại nắn theo trục thẳng, nên đâm vào sàn miệng. Khi đâm vào sàn miệng có thể gây xuất huyết, sưng nề sàn miệng, bít tắc đường thở, ảnh hưởng đến các dấu hiệu sinh tồn.
Khi có dấu hiệu chọc implant vào sàn miệng gây sưng nề, xuất huyết cần lập tức mở nội khí quản nếu cần, đưa bệnh nhân vào cấp cứu càng sớm càng tốt.
Xuất huyết ồ ạt cũng có thể xẩy ra khi bạn được chỉ định nâng xoang hở, và có một mạch máu lớn chạy trước thành xoang, khi nha sĩ mở xửa sổ xương để nâng xoang thì chọc vào.
Một tình huống xuất huyết nữa cũng nguy hiểm là khi cấy implant vùng răng 4,5 hàm dưới, nha sĩ bóc vạt quá rộng vào phía trong gây tổn thương mạch máu, dẫn đến chảy máu kéo dài và nặng nề.
Nói chung việc lên kế hoạch kỹ lưỡng là rất quan trọng.
6. Cấy implant không đúng vị trí, bị xiêu vẹo dẫn đến lắp răng giả không tối ưu
Biến chứng này không ảnh hưởng gì đến sức khỏe toàn thân của bạn, bạn thậm chí cũng không biết là nha sĩ đã cấy implant không đúng vào xương hàm nếu không chụp x-quang. Tuy nhiên theo chúng tôi loại biến chứng này lại thực sự tệ hại. Bởi vì mục đích để các bạn chi trả, cũng như sẵn sàng tìm đến implant là để khôi phục chức năng nhai. Mà kết quả cuối cùng sau 1 quá trình dài cấy ghép, chịu đau, mất tiền mà chức năng nhai của bạn lại không được cải thiện một cách tốt nhất chỉ vì bất cẩn do nha sĩ gây ra. Việc cấy implant không đúng vị trí sẽ dẫn đến ăn nhai khó khăn, dắt thức ăn trầm trọng, implant bị quá tải lực, dễ rụng sớm.
Hiện nay không có biện pháp nào để khắc phục vấn đề cấy sai vị trí của nha sĩ. Thậm chí sau khi implant tích hợp xương, việc tháo implant ra cấy lại cho đúng là vô cùng xâm lấn và khó khăn.
Ngoài sai vị trí thì chọn sai kích thước implant, thiết kế số lượng implant không hợp lý cũng ảnh hưởng đến tuổi thọ cũng như ăn nhai rất nhiều.
Chúng tôi đã cố gắng để liệt kê những nguy hiểm trong quá trình phẫu thuật implant, khi đọc có thể khiến các bạn khá hoang mang. Thực tế thì implant là một trong những phẫu thuật nha khoa an toàn nhất. Nó còn an toàn hơn nhổ răng. Những biến chứng xảy ra là rất ít. Bạn cần tìm hiểu thật kỹ và tìm nha sĩ cấy ghép giàu kinh nghiệm. Một nha sĩ giàu kinh nghiệm có thể vẫn sẽ xẩy ra sai sót, không ai có thể chắc chắn rằng mình không bao giờ sai sót. Nhưng khi có sai sót họ sẽ xử lý được cho bạn hoàn hảo nhất. Hoặc thiết lập một quy trình mà những sai sót xẩy ra là ít nhất.
Hy vọng các bạn sẽ chọn implant để thay thế cho răng mất. Vì thực tế ra đây là phương án tốt nhất hiện nay. Khi mà chúng ta đang chờ đợi nhiều hơn ở công nghệ tế bào gốc thì implant thực sự tuyệt vời, an toàn.