Răng xỉn màu nguyên nhân và phương pháp điều trị.
Bản quyền bài viết thuộc về Nha Khoa Thùy Anh Thái Nguyên.
1. Các nguyên nhân của răng xỉn màu?
Màu sắc trắng sáng của bộ răng có được nhờ vào đặc tính phản chiếu ánh sáng của lớp men răng. Tuy nhiên, sau quá trình sử dụng lâu ngày, bề mặt men răng sẽ xuất hiện những đường nứt nhỏ giữa các trụ men và bề mặt men bị mòn dần theo thời gian. Các chất màu sẽ thấm qua các vi nứt này, đồng thời khi lớp men mỏng đi sẽ bị ánh lớp ngà vàng bên dưới rõ hơn. Vì các lý do trên, răng trở nên xỉn màu và mờ đi theo thời gian.
Các chất nhiễm màu có thể chia làm 2 nhóm.
- Nhiễm màu ngoại sinh (Chỉ nhiễm màu bề ngoài răng): ban đầu răng của chúng ta có màu trắng sáng, nhưng do sử dụng thường xuyên các loại thực phẩm có màu như coffee, trà, thuốc lá... thì dần dần những chất màu thực phẩm này sẽ bám vào răng khiến răng bị xỉn màu đi. Miếng trám răng cũ nhiễm màu cũng là do những yếu tố này. Bất cứ ai cũng có nhiễm màu ngoại sinh, yếu tố này là không thể tránh khỏi, theo thời gian ai cũng sẽ bị. Tùy vào nhu cầu và mức độ mà quyết định có điều trị hay không.
+ Cùng với các yếu tố kể trên thì thói quen vệ sinh răng miệng chưa tốt cũng là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến nhiễm màu ngoại sinh như là không đánh răng ít nhất 2 lần/ngày, không lấy cao răng mảng bám định kỳ, chải răng sai cách, làm cao răng tích tụ ngày càng nhiều, khiến răng có thể bị sâu, viêm lợi và ố vàng theo thời gian.
- Nhiễm màu nội sinh: Nhiễm màu bên trong cấu trúc chiếc răng
· Nhiễm màu kháng sinh Tetracyclin: do trong quá trình mang thai người mẹ uống nhiều thuốc kháng sinh Tetracyclin hoặc các thuốc cùng nhóm với Tetracyclin ảnh hưởng đến thai nhi. Trường hợp khác là do trẻ uống kháng sinh Tetracyclin trước 7-8 tuổi. Răng có thể chuyển sang màu vàng, nâu hay xám xanh. Mức độ sậm màu của răng còn tùy thuộc vào thời gian, liều lượng thuốc hay loại thuốc nào. Trong một số trường hợp có thể khiến răng bị khiếm khuyết, thay đổi hình dáng răng.
Hình ảnh răng nhiễm màu kháng sinh tetracyclin.
· Do nguồn nước nhiễm fluor: Fluor là phần tạo nên độ cứng của men răng, ngăn mảng bám và vi khuẩn hình thành, từ đó giúp ngăn ngừa sâu răng. Nhưng khi fluor được cung cấp quá nhiều thì sẽ dẫn đến tình trạng răng nhiễm fluor, đó là hiện tượng răng hình thành các đốm trắng và tối màu, mất thẩm mỹ.
· Ngoài ra, chấn thương răng, răng chết tủy hay răng đã điều trị tủy cũng là yếu tố nguyên nhân gây đổi màu răng từ bên trong.
Từ những thong tin trên bạn có thể có câu trả lời cho câu hỏi, tại sao nhiều người đi tẩy trắng răng tại nha khoa thì có ngay hàm răng trắng sáng, còn mình thì từng thử đi tẩy mà màu răng chẳng thay đổi gì đáng kể. Mua các sản phẩm trên mạng về tự dùng cũng không hề hiệu quả. Với những nhiễm màu nội sinh thì tẩy bằng hóa chất rất ít lên màu. Vậy nên trước khi sử dụng các sản phẩm tẩy trắng bạn nên được nha sĩ kiểm tra xem tình trạng nhiễm màu của mình là từ bên ngoài hay từ bên trong bạn nhé.
2. Các phương pháp khắc phục tình trạng răng xỉn màu.
Có thể kể đến như: tẩy trắng răng, hàn nhựa nha khoa composite ra mặt ngoài, mặt dán sứ veneer, bọc răng sứ. Mỗi phương pháp thì sẽ có những ưu nhược điểm khác nhau. Và cũng tùy theo nguyên nhân nhiễm màu răng là gì thì sự đáp ứng với các phương pháp điều trị cũng khác nhau.
Trước tiên, để giữ được màu răng trắng sáng thì bạn cần phải vệ sinh răng miệng đúng cách: chải răng đủ ít nhất 2 lần/ngày, lấy cao răng mảng bám định kỳ, bỏ các thói quen xấu như hút thuốc lá, hạn chế các thực phẩm màu như chè, cafe, socola.
2.1. Tẩy trắng răng.
- Phương pháp phổ biến nhất hiện nay để khắc phục răng xỉn màu đó chính là tẩy trắng răng.
- Thuốc tẩy trắng hầu hết là những hợp chất có chứa hydrogen peroxide. Trong quá trình tẩy trắng, hydrogen peroxide sẽ thẩm thấu theo khung hữu cơ men/ngà và phóng thích oxy nguyên tử cắt đứt chuỗi màu protein trong răng.
· Tẩy trắng răng thì hiệu quả tốt đối với trường hợp răng xỉn màu do các yếu tố ngoại sinh, nhiễm màu trên bề mặt răng. Còn đối với nhiễm màu sâu bên trong cấu trúc của răng như: nhiễm tetracycline, nhiễm fluor, răng chết tủy… thì nó còn phụ thuộc vào mức độ nhiễm màu. Nếu nhẹ thì vẫn có thể đáp ứng với tẩy trắng răng, nhưng nếu ở mức độ nặng thì không đáp ứng hoặc đáp ứng rất ít.
Tẩy trắng răng, cải thiện màu sắc răng hiệu quả.
· Có hai phương pháp tẩy trắng đó là: tẩy trắng tại nhà và tẩy trắng tại phòng khám.
· Tẩy trắng tại nhà: Bác sĩ sẽ lấy mẫu răng của bạn, sau đó ép ra một máng nhựa mềm trong suốt khớp với bộ răng. Tiếp theo bạn được hướng dẫn đeo thuốc, mỗi ngày bạn phải đeo máng tẩy trong khoảng 2-3h và thực hiện liên tục trong vòng 7-10 ngày. Máng này trong suốt và ôm sát với răng của bạn, trừ việc trong thời gian đó bạn ko ăn uống gì, thì nó không ảnh hưởng đến sinh hoạt thường ngày của bạn, người ngoài nếu không nhìn kỹ thì cũng không phát hiện ra được rằng bạn đang đeo máng.
· Tẩy trắng tại phòng khám hay tẩy trắng răng siêu tốc Laser Whitening: dùng thuốc có nồng độ cao được kích hoạt bằng ánh sáng cường độ cao, do đó cần được thực hiện dưới sự kiểm soát của bác sĩ. Ưu điểm của phương pháp này đó là nhanh, thời gian cho 1 liệu trình tẩy trắng là khoảng 45-60’, đồng thời có bác sĩ giúp kiểm soát lượng thuốc tẩy phù hợp, có sự hỗ trợ của công nghệ tẩy trắng Laser Whitening giúp việc tẩy trắng hiệu quả, nhanh chóng và an toàn hơn. Nhược điểm là chi phí cao hơn so với tẩy trắng tại nhà.
· Trong một số trường hợp nhiễm màu nặng, thì sẽ cần kết hợp cả 2 phương pháp: tẩy tại phòng khám và đeo máng tại nhà để đạt được kết quả như mong muốn, đồng thời cũng giúp duy trì kết quả tẩy trắng lâu dài hơn.
· Tẩy trắng răng có một đặc điểm là sau tẩy trắng thì men răng sẽ hơi bị nhám, bớt độ bóng, hơi đục, phải 1-2 tuần sau mới hết vì vậy trong thời gian này bạn ko nên sử dụng những thực phẩm màu, café, trà.
· Tẩy trắng răng an toàn, nhẹ nhàng, không làm tổn thương men răng nên bạn hãy yên tâm khi tiến hành tẩy trắng.
Bởi vì việc tẩy trắng thì có sử dụng hóa chất, một số bạn bị ê buốt trong quá trình thực hiện, nên nhiều bạn thắc mắc việc tẩy trắng có gây hại gì cho men răng sau này hay không?
Thực ra cơ chế của tẩy trắng răng là phóng thích các oxy nguyên tử, cắt đứt phân tử màu thành các chất đơn giản không phản xạ ánh sáng nên không hề làm hư hại cấu trúc men răng. Tuy nhiên nếu bạn dùng thuốc với nồng độ quá cao, hoặc không đúng chỉ dẫn thì oxy nguyên tử sẽ cắt đứt khung hữu cơ men thành cacbon và nước, lúc đó men răng sẽ bị hư hại. Việc làm đúng hướng dẫn của nha sĩ là rất quan trọng.
2.2 Hàn nhựa nha khoa composite.
Trước đây khi thẩm mỹ răng sứ, veneer sứ chưa phát triển, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, phương pháp hàn composite vẫn được chỉ định. Nhược điểm lớn của cách làm này là chỉ được một thời gian ngắn, sau đó lớp chất hàn bên ngoài thâm nhiễm nước bọt đổi màu nhanh chóng. Ngoài ra nhiều nguy cơ về viêm lợi, hôi miệng do không kiểm soát tốt kỹ thuật.
Thời gian gần đây sự bùng nổ của các quảng cáo y khoa không lành mạnh, hàn răng bằng nhựa composite được các spa đổi tên thành “Phủ sứ nano”. Đánh vào sự cả tin và thiếu thông tin của bệnh nhân.
Các bạn biết, bản chất của kỹ thuật đó chỉ là hàn răng bằng composite mà thôi.
Các bạn có thể theo dõi video dưới đây để hiểu hơn về phương pháp thẩm mỹ răng mà các spa goi là “Phủ sứ Nano” nhé:
2.3 Bọc răng sứ thẩm mỹ.
- Là phương pháp thẩm mỹ nha ưu việt để khắc phục các hiện tượng răng tối màu, nhiễm màu mà tẩy trắng không khắc phục được. Và đặc biệt, với những trường hợp răng xô lệch, thưa, móm, hô mức độ nhẹ hay răng gãy, vỡ thì bọc sứ thẩm mỹ là giải pháp hiệu quả. Không chỉ mang lại hàm răng trắng sáng mà còn đều đặn và tinh tế.
Bọc răng sứ thẩm mỹ với trường hợp răng nhiễm màu kháng sinh.
2.4 Mặt dán sứ Veneer.
Với trường hợp răng đều đặn nhưng nhiễm màu thì mặt dán sứ là giải pháp được khuyên dùng vì:
· Mặt dán sứ veneer với độ dày từ 0.3-0.5 mm, hạn chế tối đa việc mài răng, bảo tổn nhiều nhất mô răng thật của bệnh nhân.
· Độ trắng trong hoàn toàn giống răng thật. Rất khó để phát hiện ra một mặt dán sứ khi giao tiếp bình thường.
· Mặt dán sứ tuy rất mỏng nhưng hoàn toàn chắc chắn đảm bảo ăn nhai tốt.
· Nó có thể duy trì trong một khoảng thời gian dài và khó bám màu thức ăn như răng thật, độ bền cao cả về màu sắc và khả năng ăn nhai.
· Thời gian hoàn thành nhanh, với công nghệ hiện đại như hiện nay thì việc hoàn thành dán sứ veneer chỉ mất khoảng 2 đến 4 ngày. Và như vậy sau khoảng 2-4 ngày thôi là hàm răng của bạn sẽ được thay một chiếc áo mới với diện mạo hoàn toàn khác so với ban đầu, những khiếm khuyết trên răng sẽ được khắc phục.
Mặt dán sứ veneer thẩm mỹ răng xỉn màu.
Trong một số trường hợp nhiễm màu nặng thì cần thiết phải mài nhiều mô răng hơn để cải thiện màu sắc của răng, việc mài nhiều đôi khi sẽ làm giảm độ dán dính, bền chắc của miếng dán sứ veneer nên sẽ phải chuyển sang phương pháp bọc răng sứ.
3. Các phương pháp khắc phục răng xỉn màu có ưu nhược điểm như thế nào?
- Tẩy trắng răng:
· Ưu điểm là không ảnh hưởng đến cấu trúc của răng, chi phí rẻ.
· Nhược điểm: chỉ hiệu quả đối với các trường hợp nhiễm màu nhẹ, thời gian duy trì không được lâu, khoảng 2-3 năm sau đó bạn phải tẩy trắng lại, chỉ thay đổi được màu sắc của răng, không phục hồi lại được các khiếm khuyết, hay thay đổi được hình thể của răng.
- Bọc răng sứ, dán sứ veneer:
· Ưu điểm là khắc phục được những trường hợp nhiễm màu răng, thời gian duy trì lâu dài, không chỉ mang lại màu sắc ưng ý cho hàm răng của bạn, mà nó còn giúp khắc phục những khiếm khuyết của răng giúp bạn có hàm răng thẩm mỹ, nụ cười tươi tắn.
· Nhược điểm là chi phí đắt hơn và bạn cần phải mài răng. Tuy nhiên ngày nay với kỹ thuật làm veneer thì bạn chỉ cần mài đi một lớp rất mỏng, nó không ảnh hưởng gì đến sức khỏe hay tuổi thọ của cái răng. Tất nhiên, không phải trường hợp nào cũng làm được như vậy.
- Nếu bạn còn đang băn khoăn, suy nghĩ không biết tình trạng của mình nên sử dụng phương pháp nào, thì cách tốt nhất là bạn nên đến phòng khám nha khoa để bác sĩ có thể thăm khám, quan sát trực tiếp được từ đó đánh giá mức độ nhiễm màu, sự khiếm khuyết tổ chức răng hay răng có lệch lạc hay không. Sau đó, bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn phương pháp phù hợp nhất để khắc phục tình trạng răng xỉn màu. Chỉ định đúng, đưa ra giải pháp tối ưu – can thiệp tối thiểu là vô cùng quan trọng. Ví dụ như với 1 người trẻ tuổi, răng chỉ hơi xỉn màu do dùng thực phẩm thì không nên bọc răng sứ làm gì, ngược lại với những bệnh nhân men xậm lại do tetracycline thì việc dùng răng sứ là rất tốt.
- Như vậy trong bài viết này chúng tối cung cấp thông tin về các nguyên nhân cũng như các phương pháp khắc phục tình trạng răng nhiễm màu. Hi vọng rằng qua bài viết có thể giúp các bạn nhận biết được tình trạng của mình, đồng thời sớm khắc phục để có được một hàm răng trắng sáng và nụ cười duyên dáng hơn.