Sâu răng có tự khỏi được không - Nha Khoa Thùy Anh Thái Nguyên
Sâu răng là một dạng bệnh lý răng miệng ai cũng có thể gặp phải, sâu răng được hình thành do sự tấn công của vi khuẩn lên các phần như men răng, ngà răng hay tủy răng theo thời gian. Mỗi giai đoạn của sâu răng sẽ có những biểu hiện và cách điều trị khác nhau, vậy răng mới sâu có thể tự khỏi được hay không là câu hỏi chúng tôi nhận được khá nhiều khi tư vấn cho khách hàng. Các bạn cùng theo dõi bài viết dưới đây để hiểu hơn về vấn đề này nhé.
1. Sâu răng là gì?
Sâu răng là tình trạng răng bị phá hủy cấu trúc bởi các vi khuẩn gây hại trong khoang miệng. Sâu răng sẽ được chia thành các giai đoạn nặng nhẹ khác nhau, ở giai đoạn nặng lỗ hổng sâu răng sẽ ngày càng lớn, mô răng bị tổn thương nguy cơ vỡ cao dưới tác động của lực ăn nhai.
Sâu răng có thể gặp ở bất cứ vùng răng nào tuy nhiên thường gặp hơn ở vùng răng hàm đặc biệt là ở mặt nhai. Vì mặt nhai là nơi tiếp xúc nhiều nhất với thức ăn, đồng thời có các khe múi nên khó vệ sinh sạch sẽ.
Sâu răng hình thành khi chúng ta dùng các thực phẩm có chứa carbohydrate (đường và tinh bột) đến từ các nguồn thực phẩm như sữa, nho khô, bánh ngọt hay kẹo…vi khuẩn có thể sản sinh ra axit khi gặp những sản phẩm này gây phá hủy men răng, lâu ngày sẽ dẫn tới sâu răng.
Răng với những vết sâu trên bề mặt
Ở giai đoạn đầu của sâu răng các triệu chứng thường không rõ ràng như xuất hiện một vài đốm trắng như hạt gạo hoặc mòn rất nhẹ trên men răng mà việc quan sát bằng mắt thường khó phát hiện. Lúc này người bệnh thường không cảm thấy đau nhức hay ê buốt gì.
Cho đến khi sâu răng tiến triển nặng hơn, màu răng tại vị trí sâu có thể chuyển sang màu nâu hoặc đen, lỗ sâu bắt đầu hình thành trên răng và có thể quan sát bằng mắt thường.
Ở giai đoạn này người bệnh bắt đầu khó chịu vì thức ăn dễ dàng đọng lại, răng có thể bắt đầu có cảm giác ê buốt khi ăn đồ ăn nóng lạnh.
Nếu không được điều trị kịp thời lúc này sâu sẽ tiến triển nhanh chóng tấn công vào ngà răng, làm bong tróc calcium làm sâu trầm trọng hơn. Khi cơn đau xuất hiện liên tục có thể lan lên đầu, kèm sưng tại chỗ hoặc cả 1 bên hàm thì có thể tủy răng đã viêm nhiễm.
2. Sâu răng có thể tự khỏi được hay không?
Răng là bộ phận khá đặc biệt trên cơ thể người vì nó không thể tự phục hồi theo thời gian sau khi bị tổn thương. Bạn chỉ có thể thấy sâu răng ngày càng nghiêm trọng hơn chứ không thể lành lại nếu không được nha sĩ điều trị dù đã vệ sinh răng miệng rất cẩn thận và đúng cách.
Thường thì sâu răng phát triển âm thầm từ nông đến sâu từ nhẹ đến nặng, tốc độ nhanh hay chậm còn tùy thuộc vào việc phòng tránh và giữ vệ sinh răng miệng của từng người. Khi răng đã sâu nếu bạn vệ sinh không tốt vi khuẩn tích đọng càng nhiều thì sâu răng càng tiến triển nhanh chóng.
Khi các đốm, lỗ sâu có thể nhìn thấy trên răng xuất hiện thì chỉ có thể sử dụng các biện pháp nha khoa để điều trị như hàn trám, dán sứ chứ răng không thể tự hồi phục dù làm bất cứ cách nào.
Vì vậy có thể nói “ sâu răng không thể tự khỏi” vì vậy để tránh sâu răng trở nên nghiêm trọng ảnh hưởng đến ăn nhai và thẩm mỹ bạn nên vệ sinh răng miệng đúng cách và kiểm tra răng định kỳ với bác sĩ để phát hiện sớm những bệnh lý trên răng và điều trị kịp thời.
Vậy nếu như răng không tự khỏi thì có phải cứ sâu răng sẽ phải nhổ răng không?
Câu trả lời là “ không” bạn nhé, sâu răng tùy mức độ khác nhau sẽ có những phương án điều trị khác nhau để phục hồi răng sâu đó.
3. Điều trị răng sâu như thế nào?
Vì sâu răng không thể tự khỏi nên đừng bao giờ ngồi im khi thấy răng sâu các bạn nhé.
Cách tốt nhất khi phát hiện răng sâu là bạn cần đến nha sĩ để điều trị và phục hồi bằng các biện pháp như:
- Tái khoáng cho răng
Để tái khoáng cho răng bị sâu, các nha sĩ sẽ sử dụng các dung dịch calcium, phosphate, fluor…để đổ vào nơi bị sâu răng, từ đó ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn. Đây là giải pháp đơn giản, không đau và an toàn cho người mới chớm sâu răng.
- Hàn trám bằng chất hàn
Giải pháp hàn trám răng thường được dùng đối với các răng đã bị sâu giai đoạn nhẹ, xuất hiện lỗ sâu nhỏ, chưa ảnh hưởng đến tủy. Bác sĩ sẽ sử dụng vật liệu phù hợp như composite, fuji… để trám kín sau khi đã loại bỏ các tổ chức sâu. Phương pháp này được sử dụng khá phổ biến khi điều trị răng sâu vì thời gian nhanh chóng, chi phí tương đối thấp và dễ thực hiện.
Hàn trám răng sâu bằng chất hàn
- Trám sứ hay dán sứ inlay/ onlay
Phương pháp này là giải pháp điều trị răng sâu cao cấp hơn chất hàn thông thường. Được áp dụng với các trường hợp sâu nặng hơn và có chi phí cao hơn. Bác sĩ sẽ loại bỏ toàn bộ tổ chức sâu trên răng, lấy dấu để làm một miếng dán bằng sứ bù đắp lại những mô răng bị sâu đã được loại bỏ
- Điều trị tủy và bọc sứ
Khi sâu răng đã gây tổn thương đến tủy, lỗ sâu răng lớn thì việc hàn trám răng sẽ không còn hiệu quả. Vì vậy, các nha sĩ sẽ áp dụng điều trị những giải pháp nội nha để nạo sạch phần tủy, tránh lây nhiễm sang các chân răng lân cận.
Sau khi điều trị tủy, răng sẽ dễ bị vỡ, giòn vì vậy khuyến cáo bọc răng sứ là việc rất cần thiết để hồi phục chức năng ăn nhai và tính thẩm mỹ cho răng.
- Nhổ bỏ răng và phục hình răng mới
Nhổ bỏ và phục hình răng mới bằng implant
Giải pháp cuối cùng với những chiếc răng sâu vỡ quá nặng, áp xe nhiễm trùng có nguy cơ ảnh hưởng đến những chân răng lân cận thì bác sĩ sẽ cân nhắc việc nhổ bỏ để giữ an toàn cho các răng còn lại. Đây là giải pháp cuối cùng khi không còn điều trị bảo tồn răng được nữa.
Qua bài viết trên các bạn có thể thấy răng sâu không thể tự khỏi tuy nhiên có những cách can thiệp điều trị tùy thuộc vào từng giai đoạn của răng sâu. Nhưng để tránh những rủi ro xảy ra cho những chiếc răng của bạn việc vệ sinh răng miệng cần được thực hiện thường xuyên và đúng cách để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.